Skip to main contentAccess keys helpA-Z index
BBCVietnamese.com
chinese
russian
french
Other Languages
 
10 Tháng 5 2006 - Cập nhật 14h01 GMT
 
Gửi trang này cho bè bạn Bản để in ra
Kỳ 3: Cuộc đấu tranh trong nội bộ
 
Ông Lê Duẩn
Trong thập niên 1960, nhóm của ông Lê Duẩn phê phán 'chủ nghĩa xét lại hiện đại'
Như phần hai của loạt bài này đã nói, khi mới được bầu làm Tổng Bí thư, ông Lê Duẩn thường tự giảm bớt chính kiến của mình để dàn xếp quan điểm của các lãnh đạo khác kỳ cựu hơn.

Một câu chuyện minh họa cho ảnh hưởng có mức độ của ông Lê Duẩn thời kì đầu được Thượng tướng Trần Văn Trà kể lại trong quyển Những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng (1992).

Một ngày của năm 1959, ông Trần Văn Trà nghe bản tin của BBC về cuộc chạm súng giữa một trung đội quân Việt Nam Cộng Hòa và nhóm quân của những người kháng chiến ở Đồng Tháp Mười. Theo bản tin, hai bên rút đi sau hai giờ giao tranh mà không có thương vong. Ông Trà rất ngạc nhiên và kết luận hoặc bản tin của BBC sai lạc, hoặc khả năng tác chiến của những cán bộ kháng chiến miền Nam cần được cải thiện.

Ngày hôm sau, đi cùng một người bạn, ông Trà đến gặp ông Lê Duẩn và nói cần đưa cán bộ tập kết vào Nam để tăng cường đào tạo cho các đồng chí ở đấy. Ông Duẩn được cho xem đề nghị gửi 100 cán bộ trẻ từ Bắc vào Nam.

Ông Lê Duẩn ngẫm nghĩ rồi nói sẽ khó thực hiện vì Bộ Chính trị chưa quyết. Khi ông Trà nhấn thêm, ông Duẩn hỏi liệu có giảm số lượng được không.

Con số mới đưa ra là 50. Ông Duẩn lại bảo ông sẽ tự chịu trách nhiệm nếu con số nhỏ hơn nữa. Cuối cùng, họ đồng ý về con số 25 người.

Tuy vậy, thế cân bằng quyền lực trong Đảng Lao Động Việt Nam sau đó bị phá vỡ.

Chiếm ưu thế

Những nghiên cứu gần đây đã cho biết rõ hơn làm thế nào ông Hồ Chí Minh mất dần ảnh hưởng trong tiến trình ra quyết định của Đảng Lao Động kể từ đầu thập niên 1960.

Ảnh hưởng của ông Hồ Chí Minh trong tiến trình ra quyết định của đảng thập niên 1960 bị suy giảm

Nói như William Duiker, trong cuốn Hồ Chí Minh (2000), vai trò của ông Hồ ngày càng bị hạn chế ở tư cách “một nhà ngoại giao kỳ cựu và cố vấn cho chính sách ngoại giao, đồng thời làm tròn hình ảnh người cha tinh thần của nhân dân và linh hồn của cuộc cách mạng.” Uy tín cùng mối quan hệ rộng rãi – chẳng hạn, ông Hồ có quan hệ hữu hảo với Mao Trạch Đông – khiến nhóm lãnh đạo trẻ hơn trong Đảng Lao Động Việt Nam, dù muốn hay không, cũng không thể loại hẳn ông ra khỏi tiến trình chính trị và ngoại giao.

Dù vậy, tính đến thời điểm khi Mỹ chính thức đổ quân vào miền Nam năm 1965, vai trò của ông Hồ Chí Minh ở trong đảng chủ yếu chỉ còn mang tính lễ nghi.

Một trong những người thân nhất của ông Hồ, ông Võ Nguyên Giáp, cũng bị cô lập sau này. Đối với dư luận quốc tế đương thời, Võ Nguyên Giáp là người anh hùng thứ hai, chỉ sau ông Hồ Chí Minh, trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Nhiều người trong và ngoài Việt Nam thừa nhận ông là kiến trúc sư tạo nên thắng lợi lẫy lừng ở Điện Biên Phủ, và với quân đội miền Bắc, vị đại tướng có uy tín lớn.

Sau việc ký kết Hiệp định Geneva 1954, Lê Duẩn và nhiều người khác ủng hộ đấu tranh vũ trang ở miền Nam, trong khi ông Giáp thuộc nhóm chủ trương kiềm chế và thận trọng.

Ông Giáp, giống như ông Hồ, chấp nhận chủ trương “chung sống hòa bình” mà Liên Xô đưa ra lúc bấy giờ, và đồng thời tin rằng phải xây dựng nền tảng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trước khi nghĩ đến đấu tranh vũ trang ở miền Nam.

 Thông qua việc cô lập ông Hồ, ông Giáp và các đồng minh của họ trong đảng, ông Lê Duẩn đã thiết lập một bộ máy lãnh đạo trung thành.
 
Pierre Asselin

Thái độ này của tướng Giáp đặt ra một thách thức lớn cho ông Lê Duẩn. Nhưng cuối cùng, ông Lê Duẩn đã giảm bớt được ảnh hưởng của ông Giáp trong bộ máy lãnh đạo của đảng. Việc cô lập tướng Giáp – cùng nhiều đảng viên cao cấp khác – đóng vai trò quan trọng cho việc tìm hiểu ông Lê Duẩn vì nó cho thấy người anh hùng trên chiến trường chưa hẳn là người chiến thắng trên chính trường.

Trong tiểu luận “Lê Duẩn, the American War, and the Creation of an Independent Vietnamese State”, trình bày lần đầu ở hội nghị quốc tế về Việt Nam học ở Hà Nội năm 1998, Pierre Asselin nhận xét: “Giống như Mao và Stalin, Lê Duẩn khao khát quyền lực tuyệt đối. Thông qua việc cô lập ông Hồ, ông Giáp và các đồng minh của họ trong đảng, ông Lê Duẩn đã thiết lập một bộ máy lãnh đạo ở Hà Nội không chỉ trung thành mà còn chung quyết tâm hoàn tất các mục tiêu cách mạng.”

“Ký ức về Hiệp định Geneva năm 1954 cũng có thể đã khiến Lê Duẩn tin rằng để cách mạng thành công, ông phải loại bỏ hết những ai không tin vào chiến thắng bằng mọi giá.”

Nhiều chuyên gia cho rằng đây cũng là một phần tiền đề tạo nên cái gọi là “vụ án xét lại – chống Đảng.”

Tranh cãi tư tưởng

Hồi ký “Tử tù tự xử lí” của Trần Thư, người bị dính vào vụ được quen gọi là “vụ án xét lại – chống Đảng”, mô tả không khí lúc bấy giờ là “tâm lý chủ chiến bao trùm xã hội miền Bắc” và “nếu có ai chủ trương chung sống hòa bình và thi đua hòa bình giữa hai miền thì cũng chẳng dám nói ra.”

Mâu thuẫn giữa nhóm của ông Lê Duẩn và những người chỉ trích đạt đỉnh cao ở Hội nghị TƯ 9 năm 1963 và sau đó, tăng tốc với đợt bắt giữ nhiều người ở Hà Nội vào năm 1967.

Chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc, Lưu Thiếu Kỳ (bên trái), năm 1963 đánh dấu việc hai nước xích lại gần hơn

Tháng Giêng 1963, chủ tịch Novotny của Tiệp Khắc thăm Hà Nội và ra một tuyên bố chung phản ánh quan điểm của Liên Xô và ca ngợi chung sống hòa bình là “chính sách đúng đắn nhất.”

Nhưng sau khi Novotny về nước, xung đột giữa hai nhóm tạm gọi là “thân Liên Xô” và “thân Trung Quốc” trong đảng Lao Động căng thẳng hơn. Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm bị quy trách nhiệm cho tuyên bố chung của Novotny và bị thay bằng ông Xuân Thủy.

Sử dụng tư liệu giải mật của Đông Đức, Martin Grossheim, trong bài nói về “chủ nghĩa xét lại” ở Bắc Việt, đăng trong tạp chí Journal of Cold War History tháng 11-2005, dẫn lời sứ quán Đông Đức ở Hà Nội năm 1963 nói các vị trí chủ chốt ở Bộ Ngoại giao, Thông tấn xã…đã được giao cho các cán bộ “theo sát đường lối Trung Quốc.”

Đây là các biện pháp chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, Lưu Thiếu Kỳ, đến Hà Nội tháng Năm 1963. Chuyến thăm đưa Hà Nội đến gần hơn Trung Quốc, với tuyên bố chung gọi “chủ nghĩa xét lại” và “cơ hội hữu khuynh” là đe dọa chính cho phong trào cộng sản quốc tế.

Tư liệu giải mật cho biết sứ quán các nước Đông Âu có quan điểm gần Liên Xô như Đông Đức, Hungary và Tiệp Khắc, trong năm 1963, đã báo cáo rằng báo chí ở miền Bắc ngày càng phản ánh quan điểm “thân Trung Quốc.”

Sứ quán Đông Đức tháng Tám năm ấy kết luận “các nhân tố thân Liên Xô” trong đảng Lao Động đã bị cô lập một cách có hệ thống.

Đến tháng Chín, một bài báo của ông Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, được in trên báo Nhân Dân. Trong đó, tác giả nói một số đảng viên bị ảnh hưởng của “chủ nghĩa xét lại” và vì thế nghi ngờ chiến lược thống nhất đất nước của đảng.

Phía Đông Đức lúc bấy giờ kết luận bài báo của ông Lê Đức Thọ là “một sự tấn công trực diện nhắm đến các đồng chí chia sẻ quan điểm thân Liên Xô,” và là một bước lớn trong sự chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 9 sắp tiến hành.

Hội nghị Trung ương lần thứ 9 của đảng Lao Động ở Hà Nội diễn ra cuối năm 1963 trong bối cảnh vừa xảy ra cuộc đảo chính giết chết tổng thống Ngô Đình Diệm ở Sài Gòn, đã tạo nên câu hỏi có nhân cơ hội này để đẩy mạnh đấu tranh vũ trang ở miền Nam hay không. Đồng thời, cuộc cãi vã giữa Liên Xô và Trung Quốc trên trường quốc tế ngày càng căng thẳng, đặt Hà Nội trong tình cảnh khó xử, vì đảng Lao Động hiểu rằng để đạt mục tiêu thống nhất đất nước, họ sẽ phải dựa vào hai đồng minh này.

Tại Hội nghị TƯ lần thứ 9, các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Phạm Hùng đã phê phán chủ trương chung sống hòa bình và hội nghị kết thúc với nghị quyết đẩy mạnh công cuộc đấu tranh bằng vũ lực ở miền Nam.

Sau Hội nghị TƯ 9, nhóm do ông Lê Duẩn đứng đầu tăng cường phê phán “chủ nghĩa xét lại hiện đại” (ám chỉ chủ trương thi đua hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau, mà Liên Xô, dưới thời Khrushchev, cổ vũ, nhưng Trung Quốc thì chỉ trích).

Trong loạt bài “Tăng cường mặt trận tư tưởng để củng cố Đảng” của ông Lê Đức Thọ, được đăng sau Hội nghị TƯ 9, có sự thừa nhận rằng một thiểu số trong đảng không đi theo đường lối đã ra. Mặc dù bài báo không nêu tên cụ thể, nhưng theo các quan sát viên, sự ám chỉ nhắm đến những người như Bùi Công Trừng, Dương Bạch Mai, Lê Liêm, Ung Văn Khiêm…những người đã phát biểu phản đối nhóm của ông Lê Duẩn ở Hội nghị TƯ 9.

Ông Lê Đức Thọ cũng loan báo các đảng viên sẽ phải dự các lớp học tập và chỉnh huấn để thấm nhuần nghị quyết của Hội nghị TƯ 9.

Sứ quán Đông Đức khi ấy có được trong tay nội dung của các lớp học này, theo đó, các học viên phải hiểu sâu sắc sự khác biệt giữa “chủ nghĩa Mác - Lê chân chính” và “chủ nghĩa xét lại.”

Nhà nghiên cứu Martin Grossheim nhận xét chiến dịch chỉnh huấn này “không chỉ để đối phó các quan điểm bất đồng trong đảng, mà còn là công cụ tuyên truyền để chuẩn bị cho tinh thần của người ở miền Bắc trước diễn biến chiến tranh leo thang.”

Diễn biến 1967-68

Những tranh cãi trong nội bộ đảng không dừng lại ở năm 1963-64 mà sẽ tiếp tục trong giai đoạn 1967-68.

Ban đầu, vì lo ngại sẽ đánh mất sự hỗ trợ của Liên Xô, nhóm của ông Lê Duẩn thận trọng không đưa ra các tuyên bố công khai phản ánh thái độ bài Liên Xô và thân Mao. Vì lẽ đó, dự thảo nghị quyết của Hội nghị TƯ 9 ban đầu đã kèm cả đoạn văn lên án trực tiếp Khrushchev, nhưng do yêu cầu của Lê Duẩn, đoạn này được bỏ đi.

Tuy nhiên, Khrushchev mất chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1964, quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam, và miền Bắc bắt đầu bị đánh bom năm 1965 – những diễn biến này đã đưa Hà Nội và Moscow gần nhau hơn. Kể từ đó, ông Lê Duẩn và các đồng minh cảm thấy đủ tự tin để theo đuổi chiến dịch loại bỏ chủ nghĩa xét lại một cách công khai và gay gắt hơn.

 Nhóm thứ nhất dựa trên quan điểm rằng trí thức có vai trò quan trọng trong xã hội cộng sản, trong khi nhóm kia đặt giá trị cộng sản lên trên tri thức
 
Sophie Quinn-Judge

Nghiên cứu gần đây nhất về sự kiện này, được Sophie Quinn-Judge công bố trên tạp chí Journal of Cold War History tháng 11-2005, ước lượng trong sự biến 1967-68, khoảng 30 nhân vật cao cấp bị bắt, và có lẽ có tới 300 người tất thảy, gồm các tướng lĩnh, nhà lí luận, giáo sư, văn nghệ sĩ và phóng viên truyền hình được đào tạo ở Moscow. Một trong những người bị bắt đầu tiên là Hoàng Minh Chính, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, bị bắt tháng 7-1967 và bị tống giam.

Cần nói rằng người ta vẫn còn biết rất ít về quá trình ra quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam mấy chục năm qua.

Riêng trong vụ án xét lại 1967-68, không một ai liên lụy được mang ra xét xử. Cho đến thập niên 1990, một số người còn sống và gia đình người đã khuất vẫn gửi các thư và thỉnh nguyện xin phục hồi danh dự. Và như Sophie Quinn-Judge nhận định, “cho đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn công bố rất ít các tài liệu về việc ra quyết định ở cấp cao hơn từ thư khố của chính họ.”

Có nhiều cách diễn giải khác nhau về sự kiện năm 1967-68.

Tài liệu có tiêu đề “Hoạt động của một số thế lực thù địch và chống đối” do Đảng Cộng sản phổ biến năm 1994, cáo buộc ông Hoàng Minh Chính và nhiều người dính líu vụ án chống Đảng là đã nắm một biên bản mật về một cuộc hội đàm Việt-Trung và định gửi ra ngoại quốc, đồng thời họ bị cho là thu thập tài liệu để tiến tới một chương trình hoặc phác thảo đối lập để chống đối Đảng.

Trong khi đó, nhiều người bị tù thời kì ấy cho rằng một nguyên nhân của “vụ án chống Đảng” là vì ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ muốn dùng “hiểm họa xét lại” để hạ uy tín của ông Võ Nguyên Giáp. Chia sẻ phân tích này, Judith Stowe, trong bài “Revisionism in Vietnam” (1995) nói ông Võ Nguyên Giáp “là đối tượng chính của chiến dịch bài trừ khuynh hướng xét lại.”

Pierre Asselin, trong bài viết về Lê Duẩn, nói thêm “do quá nguy hiểm nếu công kích cá nhân ông Giáp, nên ông Lê Duẩn nhắm đến đội ngũ ủng hộ vị tướng, đặc biệt những người thân cận và trung thành nhất trong hàng ngũ cấp cao của Đảng và chính phủ.”

Sophie Quinn-Judge lại cho rằng vụ án chống Đảng 1967-68 thể hiện một cuộc đấu tranh tư tưởng, chứ không đơn thuần mang tính cá nhân, trong nội bộ đảng.

“Đó là cuộc cạnh tranh giữa [một bên là nguyện vọng] thống nhất dân tộc (trong khuôn khổ liên minh yêu nước), phát triển khoa học và tiến bộ kĩ thuật với [phía bên kia là] khát vọng cách mạng của quần chúng và sức mạnh biến đổi của cách mạng bạo lực. Nhóm thứ nhất dựa trên quan điểm rằng trí thức có vai trò quan trọng trong xã hội cộng sản, trong khi nhóm kia đặt giá trị cộng sản lên trên tri thức.”


 
 
Tên
Họ*
Thành phố
Nước
Điện thư
Điện thoại*
* không bắt buộc
Ý kiến
 
  
BBC có thể biên tập lại thư mà vẫn giữ đúng nội dung ý kiến và không bảo đảm đăng mọi thư gửi về.
 
CÁC BÀI LIÊN QUAN
Kỳ 4: Một di sản gây tranh cãi
19 Tháng 5, 2006 | Việt Nam
TRANG NGOÀI BBC
BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài.
TIN MỚI NHẤT
 
 
Gửi trang này cho bè bạn Bản để in ra
 
   
 
BBC Copyright Logo ^^ Trở lại đầu
 
  Trang chủ| Thế giới | Việt Nam | Diễn đàn | Bóng đá |Văn hóa | Trang ảnh |
Chuyên đề| Learning English
 
  BBC News >> | BBC Sport >> | BBC Weather >> | BBC World Service >> | BBC Languages >>
 
  Ban Việt ngữ | Liên lạc | Giúp đỡ | Nguyên tắc thông tin cá nhân